Series những bài học của mẹ 


1. Giá trị:


Hôm qua cả nhà đang ngồi ăn thì bà giúp việc bảo:

- rau mình trồng ngoài kia, mình cứ cất dành mấy lá to nhất xanh nhất. Bây giờ chưa kịp hái, người ta đã hái của mình rồi kìa!
- rứa à? (vậy à) Thôi kệ họ không can chi cả (không sao đâu), mình ra ngoài chợ mua rau cũng được.

Cả em mình với cả mình thấy vậy là bực lắm. Bảo công mình dậy sớm chăm bón tưới cây, mua đất mua giống về gieo, cứ chưa kịp ăn đã bị người ta hái. Như thế mà mẹ còn cười được ư? Ít nhất cũng phải nhắc nhở họ chứ. Bà giúp việc thấy thế cũng nói thêm vào:

- Cả cà chua với ớt nhà mình cũng bị hái đấy. Có hôm còn có ai nôn vào chậu cây nhà mình nữa.

Nghe đến đó thì mẹ chỉ cười và lắc đầu.


Còn nhớ cái ngày tết gần đây, 2020, mẹ phải vào viện mổ cấp cứu vào ngày 26 tết. Mọi việc rối tung cả lên, mình cả đời được mẹ chăm lo nuông chiều có biết làm gì đâu. Chuyện mẹ vào viện cũng không cho ai biết. Mình không hiểu tại sao, nhưng mọi người trong gia đình bảo vậy nên nghe theo. Nghĩ lại cũng ngu. Nhưng rồi đùng một cái không biết từ đâu ra, cả làng cả xóm lôi nhau đến viện thăm mẹ. Từ khối trưởng, hội trưởng đến những người hàng xóm bình thường. Từ người quen thân đến cả những người không biết mặt. Kể ra mới thấy, lúc vào viện cái khu mẹ nằm lúc nào cũng xôm nhất. Đông người đến thăm hỏi, chuyện trò, động viên mẹ cho mau khỏe. Sữa họ mang tới, phải mang về thì đủ để đi nhập sỉ luôn. Ở nhà mình không biết nấu ăn, bác hàng xóm đối diện còn nấu ăn mang sang để đảm bảo chị em mình không bị đói. Thiết nghĩ, những chuyện như này tự nhiên mà có? Nhất là khi nhà mình mới chuyển tới đây được vài tháng thôi?



Nó đến từ những việc làm thiết thực hàng ngày của mẹ. Mẹ không tham lam sân si, mẹ coi niềm vui của mẹ là mang tới nụ cười niềm hạnh phúc cho người khác. Người ta nấu cái gì cũng mang sang cho mẹ, là vì mẹ làm cái gì ngon cũng gọi cả làng cả xóm đến thử. Người ta quan tâm mẹ như người nhà là bởi vì mẹ yêu thương người ta như những người thân ruột thịt, mẹ cởi mở và xởi lởi, mẹ thấy vui khi mình được giúp ích cho mọi người. Những nhà xung quanh mẹ, trước đây cũng không nói gì với nhau lắm, từ lúc mẹ về từ đầu ngõ tới cuối ngõ lúc nào cũng xum xuê tiếng cười nói. Mẹ như là cầu nối kết nối mọi người lại vậy. Mẹ trồng cây hoa để mọi người cùng ngắm, trồng rau để mọi người có rau sạch để hái ăn. Nấu một nồi thịt cũng san sẻ cho bác hàng xóm một chút, xay một cốc nước dâu cũng mang ra ngoài cho các bác thử. Cứ chiều chiều mẹ và các bác lại lập một " hội nghị bàn tròn" hay nói thẳng ra là cùng nhau vây quanh một cái chậu ngâm chân, cùng bàn chuyện, trao đổi với nhau như những người bạn. Bây giờ thì thành tục lệ rồi, mẹ không chỉ tạo nên tình đoàn kết, mẹ giờ còn tạo nên cả văn hóa lối sống nữa. Kinh khủng chưa!





Nói tới đây lại nghĩ tới phim reply 1988. Tuy là không đói khổ thiếu thốn như ngày xưa, tuy cách sống thời thượng hiện tại là nhà ai lo nhà nấy, vậy mà ở trong cái ngõ này, mình cảm thấy được một sự thân thương tột độ, cứ như là mình đang là Deok-sun ngu ngu ngốc ngốc nhưng được bao bọc che chở bởi tình làng nghĩa xóm, tình yêu thương vô bờ bến của mẹ vậy. " You get what you paid for" - vậy nên muốn người khác đối xử tốt với mình thật lòng, mình cũng phải niềm nở cởi mở đối xử tốt với mọi người xung quanh đúng không nào?





Cũng như bác Tony buổi sáng nói, sợ mất thì mới có khái niệm đắt. Còn tham thì mới có khái niệm rẻ. Khi còn quan tâm tới giá cả thay vì giá trị, thì người ta khó mà có đầu óc lớn, giấc mơ lớn. Chợt nghĩ sao mình còn xôi thịt quá, còn tham sân si mà cứ mơ mộng sau này chơi lớn ra sao. Đầu óc thì bé, quan niệm thì nhỏ hẹp, còn tham lam sân si, còn sợ mất sợ xa sợ đắt sợ rẻ thì làm sao thành cá mập vùng vẫy biển lớn được. Nghĩ đến đó thì thôi, tự hứa với bản thân từ hôm nay phải nhìn xa trông rộng, làm cái gì cũng phải nghĩ tới giá trị thay vì giá cả. 





Vu vơ vậy thôi chứ không muốn làm cá mập đâu, thích làm cá gầy nhưng sức mạnh uy lực tiềm năng giá trị như cá mập cơ. Con gái, cứ gầy gầy chút cho nó thanh mảnh dịu dàng đúng ha!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chúc mừng sinh nhật em

Một chút về các mối quan hệ