Gửi ông ngoại, (phần 4)

https://youtu.be/73CSB08Y3is

Audrey Hepburn - Moon River


Ngoại biết không, hôm đó mẹ một mình ra bến tàu xe lửa. Tim đập huỳnh huỵch, tay chân run bắn. Như thể đang làm một nhiệm vụ mang tính sống còn, một đi không trở lại, lúc đi thì còn chắc nịch, mà lúc tới nơi thì bủn rủn tay chân. Con đang tưởng tượng lúc đó, với bộ quần áo sờn rách và ánh mắt mông lung, không biết mẹ lấy đâu can đảm mà quăng mình giữa dòng người tấp nập, nào còi tàu xe inh ỏi mệt mỏi hòa với từng dòng thông báo lẫn lộn, nào kẻ bán người buôn nhộn nhịp và hối hả, không ai quan tâm ai, chỉ có mình mẹ chôn chân bất động nơi sảnh ga lạnh lẽo. Sài Gòn lúc đến và Sài Gòn lúc đi, không khác biệt gì nhiều, vẫn đông đúc và ngột ngạt, chỉ có người là co cứng như bị rút cạn sinh khí, niềm tin, hi vọng và cả tiền bạc. Đi xa, rồi mới nhận ra đâu là nhà. Đi tìm, rồi mới biết điều mình mong muốn vẫn luôn ở ngay gần mình đấy thôi.

Có một đoàn người, cả thảy mười hai người, mặc đồng phục, đang chuẩn bị đi lên một khoang tàu. Linh tính mách bảo điều gì, mẹ bán hết cả nỗi niềm sợ hãi, cuốn gói hết cả dù chỉ là một giây ngại ngùng,  me chạy lại hỏi mà không một chút do dự:

- Các anh có phải làm ở đường tàu không?

Người ta ném cho mẹ một cái nhìn khó hiểu và bất ngờ. Không kịp để họ phản ứng, mẹ nói tiếp:

- Nếu có thì may quá, một vé các anh được đi kèm thêm một người nữa phải không? Vì anh trai tôi cũng làm trong ngành tàu xe lửa, nên tôi biết chút ít. 

Một thoáng ngờ ngợ trong ánh mắt của một người đàn ông với làn da rám nắng, nhìn hiền lành và khắc khổ. Chợt như nhận ra được điều gì đó tuyệt vọng hiện lên trong ánh mắt, một chút van nài khẩn khoản trong giọng nói, một chút đáng thương trong dáng điệu, cách ăn mặc, anh mỉm cười gật đầu mà không cần mẹ nói tiếp.

- Được. Tôi hiểu. Cô về đâu? Cô có thể đi cùng chúng tôi.

- Tôi về Vinh. Thành phố Vinh.

Con vẫn tin vào lòng tốt của con người, dù là thời xưa thiếu thốn, hay ngày nay đầy cạnh tranh. Tình thương người vốn vậy à, nó tự nhiên và bất ngờ, che chở cho nhau - những mảnh đời bất hạnh đi qua những ngày giông bão. Vậy là lần này, ông trời đã mỉm cười với mẹ một chút. Mẹ lên tàu một cách bình tĩnh, ngồi xuống ghế cạnh anh thanh niên cũng về Vinh. Ở khoang tàu đó, người ta thật hiền lành. Họ ăn gì cũng chia cho mẹ một ít, mua bánh kẹo bim bim rồi chia đều cho cả đoàn, cả mẹ. Buổi tối hôm đó, mẹ đã chia sẻ suất cơm ít ỏi của mình với một người lạ, mà lòng vui không tả xiết.

Vậy đó ngoại, vậy là mẹ đã về được đến nhà. Nhà thật sự đó ngoại, nơi có những người mong ngóng sự trở lại của mẹ, nơi có những người thật sự yêu thương mẹ. Bây giờ nhìn lại, dù ngoại đã chọn rời đi, con cũng không còn trách ngoại nữa. Cả mẹ cũng không trách ngoại đâu, con biết điều đó qua những lời kể và ánh mắt sáng lên của mẹ khi nghĩ về ngoại. Con người ta, suy cho cùng, cũng chỉ đang cố gắng tìm kiếm cho mình một nơi thuộc về. Dù điều đó là ích kỷ, dù điều đó có làm tổn thương những con người hết lòng yêu thương mình đi chăng nữa, thì vì sự mong cầu cái gọi là hạnh phúc tình yêu cho riêng mình đó, mà họ vẫn sẵn sàng đánh đổi đúng không ngoại? Biết vậy mà, ngoại có trở lại nữa đâu, ngoại đã đi xa lắm rồi. Cả cuộc đời ngoại là những chuyến đi xa, con biết, khó có gì có thể níu giữ chân ngoại lại, kể cả sự tha thứ của con và mẹ.

Chà ước gì ngoại còn ở đây ha. Ý con là, còn ở trên đời. Con sẽ chạy lấy ngay cái điện thoại, gọi cho ngoại, ngồi lắng nghe tỉ mẩn từng phát âm khó khăn của ngoại. Con sẽ nghe hết hàng tiếng đồng hồ câu chuyện của ngoại, hỏi ngoại về cuộc đời của ngoại, những nơi ngoại đã đi, những người ngoại đã gặp, những bài học, những vấp ngã. Con biết ngoại thương mẹ lắm, ngoại cũng thương con nữa. Lần cuối lúc về đó, ngoại vẫn cười hiền với con, vẫn nhắn nhủ với con điều gì đó, mà vì nỗi căm hận, và sự mất kiên nhẫn của con, đã vùi lấp những lời dặn dò cuối đấy vào trong miền dĩ vãng. Con ước gì, con được nghe kể về ngoại sớm hơn, con sẽ thương ngoại nhiều lắm. Con sẽ ôm chầm lấy ngoại, và đón chờ ngoại từ tận ngoài ngõ khi ngoại về đây cơ. Vậy mà tất cả những gì con làm, là xa lánh, là ghẻ lạnh với những nỗ lực hàn gắn của ngoại. Ngoại có buồn, khi biết thậm chí ngày ngoại mất, con nghe tin mà lòng nhẹ tênh, cứ như là ai đó người ngoài, không mảy may xao động, không một giọt nước mắt. Vì từ nhỏ đến lớn, với con đã không hiểu như thế nào là tình thương của ông bà. Ở lớp đại học của con, có một người bạn đặc biệt. Nó thương bà của nó nhiều lắm, bà của nó kể cho nó bao nhiêu là chuyện, về chiến tranh, về gia đình, nghe thèm thuồng đến độ con đã không biết mình thiếu thốn tình ông bà đến nhường nào cho đến khi giật mình thổn thức nghe lời kể của nó.

Con cũng hiểu được rằng, tình thương của một người cha không phải là lúc nào cũng nồng ấm, cũng quan tâm một cách trực tiếp được. Như cái cách ngoại co ro chờ những đứa con ở ngoài cổng, nhìn mẹ âu yếm trong những hành động cỏn con nhất, cả cái lúc ngoại quyết định bán chó, hay cái lúc huối tiếc không kịp khi tuổi đã xế chiều, tay run, chân không bước nổi nhưng vẫn quyết về lại mảnh đất này để nhìn con, nhìn cháu lần cuối. Đàn ông, người ta có những áp lực nhất định khiến việc thể hiện cảm xúc đôi khi được đánh giá như là một việc không nên làm. Vì sự che dấu đi những nỗi niềm chất đầy đó, mà đã bao lần con vô tâm với bố và ông. Con biết điều này là đã muộn, nhưng dù sao, con cũng không mong gì hơn việc gửi một lời xin lỗi và cảm ơn đến Người.

Viết vậy là dài rồi, không biết đôi mắt yếu của ngoại có đọc nổi đến dòng này không. Chắc tầm này tèm lem ghèn mắt rồi ngoại nhỉ? Con chưa bao giờ viết cho ngoại một lá thư tử tế, nhưng giờ con viết rồi ngoại này. Gửi những lời thương bay trong gió, mong sao đến được tay ngoại. Ngoại ở bên kia, hãy sống thật vui. Hãy yên tâm vì ngoại sẽ không rơi vào quên lãng, vì ngoại đã sống một cuộc đời thật trọn vẹn. Con dừng bút lại tại đây nhé, con thương ngoại!

Thân gửi,

Yến

Cháu gái Yến xinh đẹp :)))

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chúc mừng sinh nhật em

Một chút về các mối quan hệ