Gửi ông ngoại, (phần 1)
Gửi ngoại, người con được gặp mỗi hai lần. Một lần lúc chị con cưới, và lần còn lại là lúc ngoại đã gần đất xa trời. Tuy vậy, cả hai lần đều rất mờ nhòe trong trí nhớ của con. Con không nhớ mặt ngoại như thế nào, vì con đã trốn tránh mọi cơ hội để được nhìn ngoại. Con không nhớ giọng ngoại ra làm sao, vì con đã quăng phất đi những câu hỏi để tỉ tê, để quan tâm ngoại. Con đã từng coi ngoại như một người đứng bên lề đường, cố gắng mỉm cười vẫy tay với tụi con nhưng bị làm lơ, để rồi mặt tần ngần, thất thiểu đi về trong hoàng hôn đổ nắng. Tất cả những hình ảnh về ngoại giờ đây như một cuốn phim bị xước, giọng nói của ngoại đứt quãng, vỡ vụn; hành động của ngoại run rẩy, giật lên giật xuống; hình ảnh của ngoại bị bóp méo, bị xé toang, ngày một lệch đi. Con sợ đến một ngày nào đó con sẽ quên ngoại như quên một người chưa bao giờ xuất hiện trong đời. Điều gì sẽ giữ ngoại ở lại, ngoài hai lần gặp ít ỏi đó? Những câu chuyện. Đúng rồi, những câu chuyện mẹ kể.
Ngày trước con đã rất ghét ngoại. Lỗi của con, con đã không lắng nghe câu chuyện của ngoại nhiều. Tất cả con biết, là ngoại đã li dị rất sớm, để mặc mẹ cho ông bà cố. Chuyện đã lâu, lâu đến độ mẹ không thể xác định được đâu là lúc ngoại đi. Cứ như mẹ đã không chấp nhận sự kiện đó, mà chỉ coi như ngoại đang đi làm. "Bố sẽ về, bố sẽ trở về trong một ngày nắng ấm tỏa ra. Bố sẽ ôm chầm lấy con và nói xin lỗi, tất cả là tại bố, bố không bao giờ nên đi làm lâu vậy cả, bố không bao giờ muốn rời xa con". Rồi ngoại sẽ dẫn mẹ đi ăn kem, và cả một quãng thời gian trống hoắc sự xuất hiện của ngoại sẽ coi như rớt vào hố đen vũ trụ, biến mất như chưa bao giờ tồn tại. Vì là bố mà. Là gia đình, nên mình tha thứ.
Vậy mà mọi thứ diễn ra quá đột ngột, quá sốc trong ký ức của một đứa bé mới chập chững bước vào lớp 1 lớp 2. Đến độ nó chưa kịp hiểu điều gì, giây trước đang vui vẻ trong ngôi nhà nhỏ tranh giành đồ ăn với em trai, giây sau đã ngơ ngác cầm tay nhau đứng ở giữa phiên tòa lạnh buốt, nghe những lời lẽ không thể nào hiểu nổi. Tiếp nữa rớt cái đùng vào cái nhà tù ẩm mốc đáng sợ, ngây ngất, chóng mặt. Không có một cái gì để bấu víu vào giữa dòng xoáy cuộc đời này cả, nó cứ tiếp tục xoay vù, dù mình đang ngộp thở nôn thốc nôn tháo. Nhắm mắt lại để mong cho tất cả chỉ là giấc mơ. Nhắm mắt lại, mở mắt ra đã thấy mình chạy ùa vào vòng tay của cố, nước mắt dàn dụa. Cuộc đời là thế đấy, nó lừa bạn chìm ngủ trong mật ngọt, và ngoắt một cái, bay cái vèo trong vô ngã của dòng thời gian, không biết mình đã làm gì để ra nông nỗi này, chỉ biết khi mở mắt ra mọi thứ đã tan hoang, tro tàn bay ngoài cửa, ngoảnh trước ngoảnh sau không biết tìm ai mà níu giữ mà ôm mà khóc. Ngồi đần ra, chuyện gì đã xảy ra vậy? Sao thứ nước gì bỏng rát cứ lăn mãi trên mặt không dừng được vậy? Gia đình đâu rồi? Hỏi mãi, hỏi hoài, không một câu trả lời, chỉ đâu đó vọng lại tiếng gà đang lui thui vào chuồng, tiếng chim đang hối nhau về tổ, hoàng hôn đang lặn xuống, mong đất trời sẽ úng ngập trong cái sắc đỏ đau đớn đó, vì sự rời đi của mặt trời.
Sống một chuỗi những ngày tháng thiếu thốn tình yêu của ngoại, mẹ đã cố làm lơ đi cái sự thật đau lòng đó mà không được. Mẹ vờ như không có những người-được-gọi-là "bố" và "mẹ" thì mình vẫn sống tốt. Nhưng hàng đêm, những hình ảnh mỏng tang của ngoại vẫn choàn về trong vô thức. Cái ngày mà ngoại còn đi làm thật xa, cách nhà vài chục cây số. Chỉ có cuối tuần ngoại mới về được, chỉ có cuối tuần mẹ mới được nhìn thấy cái dáng điệu khổ sở, gầy gò, cao nhảnh nhưng nụ cười và ánh mắt khi thấy những đứa con lại sáng rực lên, như chưa hề có đau đớn, như chưa từng có chia xa. Vậy mà gặp rồi, mong chờ đến vậy rồi, đến khi gặp cũng không được ôm chầm lấy tay bắt mặt mừng, thơm lên má, lên trán, lên cằm, lên mũi, bảo con nhớ bố, nhớ quay quắt, nhớ đến độ con đếm ngày trong tuần bằng số thời gian còn lại để được gặp bố. Nhưng không, bà ngoại không cho ông bước vào căn nhà đổ nát đó. Bà bảo ông đi đi, đi làm xa nữa đi, và để mặc ông với chiếc xe đạp còn quèn, lay lắt trong cái lạnh của tháng mười hai. Ngoại vẫn chờ, chờ chứ. Vợ mình không chờ, nhưng các con còn chờ. Dù chỉ là một cái nhìn tích tắc trong luyến tiếc, ngần đấy thôi cũng đã đủ để ngoại không quay gót đi, vẫn co ro ngoài cổng, ngóng đợi với bao nhiêu viễn cảnh gặp lại con trong đầu. Đến tận ngày nay, khi những ký ức như tấm giấy nhàu bị rơi vào nước, mờ nhòe, xẻ chia, tan hòa trong bể đời đau đớn, mẹ vẫn nhớ cái buổi sáng hôm ấy. Ông nhìn mẹ đánh răng một cách đầy âu yếm "Đánh nhẹ nhẹ không chảy máu răng con." Đấy, một câu ngắn gọn vậy thôi, một chút quan tâm nhỏ nhắn vậy thôi, mà sau hàng chục năm xa cách, sau hàng vạn biến cố, dù ngoại cuối cùng vẫn chọn cách rời xa những đứa con của mình để tìm về một "tổ ấm" khác, mẹ vẫn không hận ngoại được. Mẹ vẫn kể về ngoại bằng cái giọng trìu mến, tiếc nuối, day dứt, cô quạnh. Mẹ thương ngoại, dù sao đi nữa mẹ vẫn thương ngoại. Là gia đình, nên mình phải yêu thương nhau.
Vì thương, nên mẹ quyết đi tìm ngoại. Đến cái mốc mười tám tuổi, cái tuổi người ta bảo là lớn rồi đấy, bay đi, chạy xa nữa đi. Đã đến lúc phải làm những điều mình muốn, hãy chạy theo con tim của mình. Mẹ biết lúc đó trái tim đang thôi thúc mình phải đi tìm ngoại, không trì hoãn được nữa. Thực ra, mẹ biết mình không cần phải chờ đến lúc lớn. Mẹ đã ngừng làm trẻ con từ lúc ngoại quay lưng bỏ lại cả đàn con nheo nhóc. Nhưng mẹ vẫn đợi, đợi đến lúc có một sự công nhận của xã hội, đợi một tiếng nói trong vô thức hối mẹ hãy can đảm mà bước ra ngoài kia, giành lấy cho mình những mảnh vỡ để ghép lại cái-thứ-gọi-là "gia đình" mà lâu nay mẹ đã không định nghĩa nổi. Gia đình là gì? Sao những ai có cái-gọi-là "gia đình", dù giàu hay nghèo, đều có vẻ như đang hạnh phúc nhất trên đời vậy? Vậy là mẹ lên đường, mang theo độc hai bộ quần áo rách bươm, một phần vì nghèo thật, không có cái gì để mặc. Một phần vì mong lấy được sự thương hại nơi ngoại, mong ngoại về làm bố trở lại rồi bù đắp cho lỗ hổng tình phụ tử nơi tim mẹ. Phải vụn vỡ và tuyệt vọng như thế nào, mà mẹ mới phải hành động như vậy? Liệu chuyến đi này có mang lại cho mẹ những ấm áp trong lòng, sưởi ấm cả một tuổi thơ xám xịt như mẹ vẫn mong đợi?
Còn tiếp...
Photo by Jilbert Ebrahimi on Unsplash
Nhận xét
Đăng nhận xét