Gửi ông ngoại, (phần 2)

Với vài đồng bạc lẻ lèn dắt trong túi, kèm lời dặn dò tỉ mẩn của người yêu (là bố tôi) với ông bảo vệ khoang tàu, mẹ lần lữa bịn rịn nắm tay người mình thương nơi ga tàu một chút, một chút thôi. Rồi lại quay ra, hùng hục ý chí đi tìm lại những thứ vốn dĩ thuộc về mình. Lần này đi, không chỉ với mong muốn gặp lại ngoại, mà còn muốn gặp lại cả cậu út (em trai mẹ). Thương lắm chứ, nghĩ sao máu mủ ruột rà với nhau bỗng một ngày đẹp trời cắt đứt cái phập. Mỗi người một nơi, không liên lạc, không thông tin. Cái thời chưa có điện thoại, người ta thèm một nỗi kết nối, thèm một mẩu thông tin dù sai hay đúng. Mẹ cầm trên tay tờ giấy mà mẹ đã học thuộc đến ngàn lần, thuộc đến nỗi nó khắc sâu tạo thành từng dòng chữ rõ ràng trong đống nếp nhăn lộn xộn của não. Mẹ nhớ vì một lần, vào một lúc nào đó trong quá khứ, ngoại đã lén lút trở về. Chỉ kịp trao tay mảnh giấy ghi thông tin chỗ làm của ngoại, rồi đi biệt. Mẹ tưởng mình mơ, vì nhanh quá. Cứ như thể bóng ma vật vờ biết rõ nỗi đau của mẹ nên hiện hình ra ngoại và trêu ngươi. Nhưng dù mơ hay thật, mẹ vẫn nuốt lấy nuốt để từng dòng chữ trong tờ giấy đó, với một hi vọng nhỏ nhoi sẽ có ngày gặp lại. Với vài chút tình cờ may mắn qua cuộc trao đổi với một người lạ ở trên tàu, mẹ lơ mơ biết được rằng em trai mình đã trải qua một cuộc tai nạn đầy đau đớn, nhưng vẫn qua khỏi và đang bán rong ở chỗ ga tàu. Lại thêm một mi li lít niềm tin, một mi li lít hi vọng, mẹ hứng khởi, mẹ mỉm cười. Nụ cười đó khờ dại và lung linh, bối rối và hồ hởi, như một người đang ngồn ngộn năng lượng, xách va li lên đi tìm điểm dừng của chân trời. Để rồi bất thần nhận ra trái đất hình cầu, đi mãi rồi cũng về điểm ban đầu, và không có nơi nào gọi là chân trời cả. Nụ cười ấy báo hiệu cho một chuyến đi vô công vô ích, trở lại với tròn trĩnh một số không. Nhưng ở thời điểm đó mẹ đã không biết. Mẹ vẫn cứ đâm đầu đi tìm.

Ga tàu dừng lại cái xịch, khói tuồn ra, còi tu lên, tiếng loa thông báo vang vọng cả khoang tàu. Ồn ã và choáng ngợp là hai ấn tượng đầu tiên của mẹ. Người người tùa xuống. Thì ra là đây. Sài Gòn, mảnh đất hứa. Mảnh đất của hi vọng. Người dân tứ phía đổ về, mong lấy cho mình một cuộc sống khác, hạnh phúc hơn, giàu có hơn. Hòa vào dòng người chen lấn xô đẩy, mẹ cuối cùng cũng lách người ra được cái đống hỗn độn đầy mồ hôi, nước mắt đó. Phần vì mẹ nhỏ con, chẳng có hành lý gì, phần vì nỗi háo hức tìm lại em, tìm lại cha đã đẩy mẹ ra được. Mẹ vội vã đi tìm, vội vã đi hỏi. Và đúng như cuộc đời sắp đặt, không thấy đâu, làm gì có tìm thấy được, đây là cuộc đời, đâu phải phim. Dù mình có vượt qua trùng trùng sóng gió, bị cuộc đời vật lên vật xuống cho rã rời, trái tim tưởng chừng như không khóc được nữa vì những chai sạn, ấy mà đến cuối vẫn không tìm được những thứ mình cần tìm. Là do cuộc sống bất công, hay do câu chuyện chưa đến điểm dừng? Câu trả lời nằm ở vế thứ hai, nghĩ vậy, mẹ nhảy lên chiếc xe ôm cà tàng của một bác lái xe trông đã nhiều tuổi. 

Chắc vì mong muốn tìm được ngoại, mà mẹ đã chọn bất cứ khuôn mặt nào có nét khắc khổ, dáng người gầy gò, và giọng nói trầm ấm. Mẹ coi đó như là thước đo của một con người, cho niềm tin vốn đã hạn hữu trong mình rằng những người giống ngoại thì sẽ là người tốt. Ngoại thấy chưa, tình cảm của mẹ cho ngoại vốn đã bao giờ đổi thay đâu? Ấy vậy mà đọc rõ cái địa chỉ rồi đó, chắc như in là cái địa chỉ đó có thật. Mà đi lòng vòng mãi, cảm tưởng như đi cả thành phố rồi, đi vào hỏi từng người trong từng cái cơ quan, đào bới cả hang hốc họ hàng người ta lên mà vẫn không tìm thấy ngoại. Có ức không ngoại? Con không biết ngoại thế nào, chứ nghe mẹ kể mà con ứa nước mắt. Trong cái lúc tưởng chừng như bỏ cuộc, còn đúng một vài hào trong túi, thì một chút may mắn nữa xuất hiện. Cái bà bán nước gần đó, bà bắt cho mẹ một cuốc xe định mệnh. Là người miền Nam, người ta tốt bụng và hiền lắm đó con. Bà dặn dò cái anh lái xe rằng phải đi, đi tìm bằng được bố cho con bé này thì thôi. Phải chắc chắn là đến cái địa chỉ này nè, để con bé gặp được bố rồi nè, mới được lấy tiền xe. Vậy là với những cắc bạc cuối cùng, mẹ đánh cược với cuộc đời. 

Như cái cách người ta tra tấn trong tù đó, họ không cho vắt kiệt sức lực cùng một lúc để rồi mà chết đi, chết quắt khỏi cái kiếp đời lần lũi này đi mà sống kiếp khác, bỏ đi mà làm lại. Không, được chết thì đã sướng, phải rưới rắc hi vọng, rồi cướp đi, phải mơn trớn rồi hành hạ, phải cho người ta nếm trải một giọt ngọt và mười giọt đau. Phải trừng phạt vậy mới đã, cuộc đời như vậy mới đúng là cuộc đời. Cuộc đời với mẹ lúc đó, là đang được nhấm một chút vị ngọt thành quả, mà không biết cái đám mây đen sì đang lồ lộ sau lưng. Mẹ cuối cùng cũng gặp lại được ngoại. Ngoại còn nhớ không? Cái lúc mà ngoại bất ngờ gặp lại được mẹ trong cơ quan đấy, ngoại đã nghĩ gì? Ngoại cảm thấy như thế nào? Có vui đến vỡ òa như mẹ không? Trời ơi bao năm trời, bây giờ mẹ đã phổng phao thành thiếu nữ mười tám. Ngoại có tự hào vì ánh mắt của mẹ là từ ngoại mà ra, những nết na thùy mị, những cử chỉ ân cần, những quan tâm chở che ở nơi mẹ đâu đâu cũng là vảng vất hình ảnh của ngoại? Con không biết, tất cả con biết, là cái giây phút sung sướng tột đỉnh đó rồi cũng chẳng tồn tại được bao lâu.

Ngoại ơi, ngoại vào Nam làm gì để rồi kiếp sống của ngoại cũng không hơn là bao? Người ta bảo vào Nam là sống lại một đời sống mới, một thế giới khác tươi sáng hơn, nơi nghèo đói không sờ tay đến, nơi hạnh phúc tràn đầy chứ không chiến tranh bom đạn như ngoài kia. Thế mà sao giờ nhìn ngoài vẫn gầy đơ gầy đét, khổ sở còm cõi với một chiếc xe đạp cô đơn lẻ bóng như thế này. Khổ vậy sao ngoại không về, về với mẹ con, có thiếu thốn một chút, nhưng mình có nhau, mình có nhau mà ngoại? Nhưng mẹ đã tìm thấy được câu trả lời cho mình khi biết rằng, ngoại đang sống với một người khác. À, vậy đó. Cuộc sống có vất vả đến bao nhiêu, có thiếu ăn, thiếu mặc đến nhường nào, chỉ cần có người chờ mình ở nhà là được. Sẽ vượt qua được hết, nếu đằng sau mình có-hai-chữ-gia-đình. Nghĩ đến đó, mẹ bật cười đau đớn. Cười chứ sao, không lẽ khóc? Nhìn lại mà xem, mình thảm hại bao nhiêu mà còn khóc được nữa? Khóc rồi người ta nhìn vào, người ta cười cho cái độ ảo tưởng mơ mộng bên trong mình ấy hả? Mơ ước có một gia đình bình thường là một điều xa xỉ, có phải ai sinh ra cũng được nhận cái đặc quyền đấy đâu? 

Nuốt từng miếng cơm khô khốc, trộn cả cá cả cát, tởm lợm không biết vì vị thức ăn, hay vị đời nữa. Mẹ nôn như cho hết đi cái quặn thắt trong lòng, nôn hết đi những cay đắng mà cuộc đời ném lại, nôn hết, nôn cả ruột gan rồi mà chết luôn đi, mặn mà gì cái cuộc sống thối nát này. Mình cố gắng rồi, cố gắng lắm rồi mà bây giờ được trả lại bằng những cục cơm đắng ngắt như này đây. Đếch, đếch thèm ăn, để rồi xem cuộc đời nó vặn mẹ lại được đến nhường nào. Mẹ bỏ đi tìm em trai mẹ, cậu Thái.

Mẹ biết được cậu sau một tai nạn ngã cây, nằm thoi thóp một mình trên bệnh viện, thì nay đang sống ở nhà cô Xí. Trời đất, ngoại về ngoại mang cậu đi, ngoại bảo ngoại thương cậu nên ngoại mang cậu đi. Vậy mà ngoại để cậu thừa sống thiếu chết ở bệnh viện vào cái ngày tày trời đó. Chứ con của ngoại tai nạn, vỡ mồm, gãy tay gãy chân mà ngoại còn không đếm xỉa, "ngoại bận đi làm", thì ngoại thương làm gì cậu hả ngoại? Ngoại để cậu vất vơ ngoài đường ngoài xá, lăn lội đi kiếm từng miếng ăn từ khi còn quá nhỏ, vậy đó là cách ngoại thương con hả ngoại? Ngoại trả lời con xem, thương là gì? Hay vì hận người vợ quá khứ của mình, mà mỗi khi nhìn thấy cậu ngoại lại thấy bà, nên ngoại phũ phàng bỏ đi? Mẹ đã không thể chấp nhận ngoại vào trong cái hoàn cảnh đó, càng không thể kìm nước mắt khi thấy cái khuôn mặt gầy thóp đi của cậu, với cái tật nguyền chết tiệt ở miệng vì tai nạn đó gây ra. Sẽ như thế nào nếu ngày đó cậu vẫn sống với mẹ, với ông bà cố nội? Thì cuộc sống của cậu có bớt sứt mẻ, gãy vụn như vậy không? Mà cuộc đời thì vốn khốn nạn thế, làm gì có chuyện giá như. 

Nhưng dù sao, cậu có vẻ cũng không đến nỗi cô đơn, vì giờ đây cậu đang có một công việc phụ hồ khá ổn định, một ngôi nhà để về và một người yêu cậu đến hết lòng đang chờ ở nhà. Chưa phải là gia đình đâu, nhưng thoáng thấp đâu đó một cái sự che chở, đùm bọc, yêu thương mà ta thường thấy ở một gia đình hoàn chỉnh. Mẹ được an ủi phần nào. Ra là vậy, gia đình là vậy. Chuyến đi này tuy keo dính thì sẵn sàng rồi đó, mà không lôi được mảnh ghép nào trở lại để hàn gắn bức tranh vẽ gia đình. Không sao, vì mẹ đã học được những điều cốt lõi và sức mạnh to lớn của gia đình. Và mẹ biết, sau này mẹ khao khát muốn có một gia đình đúng nghĩa, nhưng không phải là với cái gia đình tan vỡ này, mà là một gia đình khác, với một người cùng một nụ cười tỏa nắng, đang đứng chờ mòn mỏi nơi sân ga...

Còn tiếp...

https://youtu.be/GCWl50HQZIM

Like my father - Jax

Photo by Takahiro Taguchi on Unsplash


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chúc mừng sinh nhật em

Một chút về các mối quan hệ