Gửi ông ngoại, (phần 3)

Rồi thì nhận ra được bài học rồi đó, gặp được hết người muốn gặp rồi đó, rồi về sao? Tiền ăn còn chẳng có, mẹ nhìn đói gần một tuần trời, chỉ có một hai lần cậu đi làm về, mua được cho mẹ ổ bánh mỳ thịt cỏn con là mẹ nhét được vào bụng, chứ mẹ vẫn bị bỏ đói vậy. Mẹ kể lúc đó là cận tết rồi, hai tư hai lăm gì đó. Ngoại thấy mẹ không ăn được suất cơm dở tệ nơi cơ quan của ngoại, ngoại cũng kệ luôn. Con không biết lúc đó là ngoại kệ thật, hay ngoại đang ngại ngùng với con người mới mà ngoại đang chung sống cùng. Dù sao để mẹ con đói vậy, con cũng không đồng tình. Nhưng biết sao được, ngoại cũng nghèo. Ở mảnh đất trù phú này, ngoại vẫn nghèo, nghèo rách nghèo rưới, nghèo không đủ mua nổi một suất cơm, nghèo không đủ mua nổi một manh áo, nghèo tận cùng, nghèo đậm đặc, nghèo kiệt quệ. Phải chăng vì cái nghèo, mà con người không thương nhau được nữa hả ngoại? Muốn yêu thương nhau, phải giàu có đã phải không?

Như không đợi được cái lương thưởng tết mà ai ai cũng mong chờ, mẹ nằng nặc đòi về. Ở lại đây thì chết mất, chết đói, chết khát, chết rét tình thương. Ở đây làm gì có nơi nào mà mẹ con thuộc về, làm gì có ai chờ mẹ? Biết làm gì ra tiền giờ này cơ chứ? Tết đến xuân về, nếu vì cái chuyến đi trời ơi đất hỡi này mà lang thang một mình giữa từng tràng pháo hoa thì chết, chết vì tủi, vì cô đơn, vì hận đời ghê gớm. Không được, mẹ phải về, mẹ nhất định phải về. Nhưng mà không có tiền, thì về bằng cách nào?

Ngoại lúc đó mới để lộ ra lốm đốm ngọn lửa tình cha tưởng như đã bị đóng băng, phủi bụi ở một góc hốc hác, tối tăm ẩn sâu trong con người khô quằn đó. Ngoại cũng thương mẹ, cũng muốn mua cho mẹ một bộ quần áo mới, cũng muốn mua đồ ăn cho mẹ, cũng muốn mua cho mẹ tấm vé tàu về ăn tết, kèm một chút tiền quà, coi như là giữ thể diện cho ngoại. Mà ngoại có đâu, tiền nuôi ngoại còn không đủ. Nhìn cái dáng hình quằn queo theo năm tháng đó, mẹ biết thực ra, có phải là ngoại không thương đâu? Chỉ là ngoại không có cách nào để thương. Rồi ngoại cũng dẹp hết cái gọi là thể diện, ngoại đi vay, đi xin. Ngoại mang mẹ đến từng họ hàng, gốc gác trong miền Nam đó, mong muốn người ta rủ ít tình thương mà cho đi một vài nghìn lẻ để đi mẹ có tiền mua vé đi về. Họ giàu mà, một vài nghìn lẻ đâu có khiến họ bớt giàu đi đâu? Nhưng mà này, thì ra có giàu đến mấy, người ta vẫn không học được cách yêu thương, nếu bản chất người ta là vậy. Đi hết cả một vòng họ hàng, hạ bớt cái tôi của ngoại xuống để cho người ta khinh bỉ, dẫm đạp lên, để rồi đổi lại là gì? Là những tràng cười hả hê lẫn cả vào trong từng tảng mỡ đang rúng rính, nảy lên nảy xuống theo từng đợt cười; là những tủi nhục mà cả ngoại cả mẹ mang về, lầm lũi bước qua những cánh cổng to lớn. Có đáng không? Đáng chứ, để được về cái-gọi-là-nhà, thì nhục bao nhiêu cũng đáng, khổ bao nhiêu cũng chịu được. Thất thiểu về nhà, nhìn quanh, cũng không có gì để bán, ngoài một con chó. Con chó này ông thương như con mình, ông mang về nuôi tại cơ quan, ăn gì ông cũng cho ăn cùng. Ngày xưa đó, người ta xem chó như bạn, như tri kỉ. Vậy mà lúc này vì mẹ, mà ông sẵn sàng bán chó.

Hai cha con nghĩ trong đầu, bán được con chó này sẽ còn đủ tiền để ăn hai tô phở to, mua một vé tàu đi về, mua thêm một chút đồ ăn để ăn trên tàu, có khi còn đủ một ít để mang về. Nghĩ vậy mà đi hết quầy này sang quầy khác, bán chó nhưng chó chẳng chịu rời. Nó lì lợm cắn lấy cắn để đuôi quần của ông, không chịu nhả ra. Người bán nhìn vậy cũng ngán ngẩm, bảo ông rằng con của, đừng bán, để đó mà nuôi. Túng thiếu như nào cũng được, nhưng con của như này bán đi rồi không tìm lại được. Có cố bán, nó cũng tìm đường mà chạy về thôi. Vậy là sau cùng, giấc mơ hai tô phở nghi ngút khói, cũng chỉ dừng lại ở trong tâm trí. Đường về nhà, chao ôi sao mà xa xôi...

Ngoại còn nhớ chứ? Cái lúc ngoại với mẹ ôm một nỗi chán chề mà lê lết hai tấm thân còm cõi đi về trong đêm. Bóng hai người đổ dài, xiên vẹo trong ánh đèn đường lắt léo. Bóng của mẹ hình như nhạt hơn. Hình như khi con người ta còn chưa tìm thấy mảnh ghép của đời mình, con người họ thiếu mất một nửa, cái bóng họ bớt tròn đầy hơn. Bóng của ngoại đậm hơn một chút, người ngoài khó có thể nhìn thấy được, nhưng nó đậm hơn thật, vì ở nhà đang có người mòn mỏi chờ từng bước chân của ngoại. Mẹ kể, bà dì đấy hiền lắm, thương ông mà thương luôn cả cậu cả mẹ. Chấp nhận yêu ngoại, là phải chấp nhận luôn cả quá khứ đổ vỡ của ngoại, cả những gì còn sót lại của một tuổi trẻ đầy giông bão. Bà dì đó thương mẹ không một chút giả tạo, nhưng nghèo thì vẫn hoàn nghèo. Có thương nhau bằng ánh mắt, nhưng ánh mắt có nuôi sống được ta đâu? Con nghĩ vì ánh mắt đầy nhân hậu, lòng trắc ẩn đó mà ông ở lại. Dù nghèo xơ nghèo xác, dù bấn nát cả bộ đồ, dù mơ hồ về tương lai, ngoại vẫn ở lại. 

Gom hết tất cả số gạo còn sót lại, cùng một hai quả trứng, bà nấu hết cho mẹ ăn. Trải qua một đợt nhịn đói dài kỳ, mẹ ăn hết, ăn lấy ăn để, ăn không sót lại một hạt cơm. Dù chỉ là cơm trứng rán thôi, nhưng mẹ nói đó là một trong những bữa ăn ngon nhất đời mẹ. Khói cơm nghi ngút từ cái bát mẻ cỏn con, lấm tấm một chút vàng của trứng, mà sao cảm thấy mềm xốp từng miếng nhai, ngầy ngậy từng miếng nuốt. Bữa cơm làm dịu đi bao nỗi uất ức, tạm thời làm quên đi bao muộn phiền phía trước, mẹ cứ ăn thôi. Tương lai thế nào khoan tính, hiện tại mình đang no, vậy là đủ. Đêm hôm đó, mẹ quyết định làm liều, cứ nhảy lên tàu thôi. Không có vé thì van nài, không có vé thì quỳ lạy, không lẽ người ta không run rủi một chút lòng thương, mà để cho mẹ một chỗ đứng. Đứng thôi, không cần ngồi, và chẳng mơ đến nằm. Từ Sài Gòn ra Vinh, mất chắc độ cả ngày trời, nhưng không sao, mẹ chỉ mong cầu một khoanh nhỏ nhét vừa hai đôi bàn chân là đủ, không lẽ người ta lại nỡ ném mẹ ra? Nghĩ vậy rồi mẹ yên tâm nằm ngủ. Bà dì đó biết được ý định của mẹ, cũng thương, cũng lo mà chẳng thể làm gì. Ba giờ sáng hôm sau, bà dì tỉnh dậy, lúi húi đi nấu cơm cho mẹ. Nấu nhiều lắm, sáng dậy mẹ ăn hết, ăn cho cả buổi trưa. Suất còn sót lại thì để dành buổi tối. Ra đi với tấm áo nhàu, đi về vẫn bộ đồ đáng thương đó, nhưng lần này có thêm 300 đồng nhét trong viền áo, và một suất cơm. Vậy là đủ, phải đi về thôi, gia-đình-tương-lai đang chờ mình ở nhà.

Còn tiếp...

https://youtu.be/PQiVNiutvKM

My Life as Ali Thomas – Winter’s Love


Photo by Sam Moqadam on Unsplash

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Chúc mừng sinh nhật em

Một chút về các mối quan hệ